Kịch nói “dị bản cổ tích”: Người trẻ nặng lòng với sân khấu truyền thống

VHO - Với niềm đam mê văn hóa truyền thống Việt Nam, một nhóm bạn trẻ đã táo bạo thể nghiệm nghệ thuật kịch nói kết hợp với cổ tích trên một sân khấu. Nếu như trước đây, khái niệm truyện cổ tích luôn được gắn với thiếu nhi khi mang nhiều màu sắc kỳ thú, xen lẫn các bài học về thiện ác, tình người… thì nay, cổ tích đã được họ thổi vào làn gió sáng tạo mới mẻ và nâng tầm thông qua sân khấu kịch.

Kịch nói “dị bản cổ tích”: Người trẻ nặng lòng với sân khấu truyền thống - Anh 1

 Không chỉ đầu tư về mặt nội dung, phần hình ảnh của “Đạo Chích & Quốc Vương” cũng được trau chuốt kỹ lưỡng, với mong muốn mang nét đẹp Việt phục đến gần hơn với các bạn trẻ

Sau hơn 12 tuần nỗ lực tập luyện, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) đã chính thức công diễn tác phẩm Đạo Chích & Quốc Vương. Vở diễn được cảm tác từ những câu chuyện cổ tích kết hợp với thông điệp về xã hội hiện đại, qua đó mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc cùng những chiêm nghiệm về cuộc sống.

Cổ tích không chỉ dành cho thiếu nhi

Cảm tác từ những tích truyện quen thuộc như: Đúc Người, Quận Gió Dã Tràng, vở diễn được đặt trong bối cảnh thái bình thịnh trị, nào ngờ những điều tốt đẹp ấy chỉ là tấm lụa lộng lẫy nhằm che đi những ung nhọt của xã hội. Đó là hành trình của Quận Phong, một tên cướp trượng nghĩa, tình cờ gặp gỡ chàng học trò nghèo vốn là Đức vua cải trang để thị sát cuộc sống người dân. Cũng từ cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, cả hai bị cuốn vào một vụ trộm vàng kỳ lạ, để rồi phát hiện ra những bí mật động trời về số phận bản thân và cao hơn vận mệnh đất nước. Dù là những câu chuyện xưa, nhưng ý nghĩa của từng lời thoại lại rất đời và hiện đại.

Bạn Nguyễn Đức Huy (biên kịch và dàn dựng) chia sẻ: “Chúng mình muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. Những vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời như tình nghĩa đồng bào, lòng trắc ẩn, thói vô ơn… sẽ được thể hiện thông qua loạt chi tiết châm biếm dí dỏm mà sâu cay”. Có thể kể đến chi tiết vợ chồng Quan phụ mẫu tạ ơn Thần Tài vì đã ban cho một cơn bão khiến họ vơ vét được tiền cứu trợ; như khi họ nói về con đê biển sau một cuộc “rút ruột công trình”; hay một Tú Bà hết thời trải lòng về đời sống phóng túng của những kẻ trụy lạc... Xuyên suốt vở kịch, khán giả được gặp gỡ những nhân vật quen thuộc bước ra từ cổ tích nhưng với diện mạo và tâm tính hoàn toàn mới mẻ. Vở kịch đã dẫn dắt người xem qua những tình tiết vừa hài hước, vừa xúc động nhưng cũng không kém phần kịch tính. Sau vở diễn, khi những tiếng cười qua đi là những suy ngẫm, trăn trở còn đọng lại, vô vàn thói hư tật xấu và cả tội ác của nhân vật sẽ bị đả kích đến tận cùng.

Với bối cảnh dân gian, cũng là bối cảnh lần đầu xuất hiện tại Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn, Đạo Chích & Quốc Vương đòi hỏi các diễn viên không chuyên phải nghiên cứu và trau dồi kỹ thuật biểu diễn để có thể hóa thân được trọn vẹn nhất. Đặc biệt, vở kịch không đơn thuần chỉ là một tác phẩm trong mùa diễn, mà còn là tác phẩm nằm trong “vũ trụ kịch dị bản cổ tích” cùng với vở Trái tim hóa thạch đã được công diễn và tái diễn trước đó. Đạo Chích & Quốc Vương chính là cột mốc quan trọng đánh dấu sự sáng tạo, bứt phá khi lựa chọn hướng đi riêng của Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn.

Xéo xắt chuyện đời, cười ra nước mắt

Nói về lý do lựa chọn thể loại này, bạn Nguyễn Đức Huy chia sẻ thêm: “Cổ tích Việt Nam là kho tàng tri thức dân gian với nhiều tác phẩm văn học quý giá. Các câu chuyện gợi mở thế giới cổ xưa, nơi có những nhân vật điển hình trong xã hội, những hành trình và tình huống độc đáo, giàu thông điệp… Tất cả đã thành nguồn cảm hứng bất tận để chúng tôi xây dựng kịch bản cho hai tác phẩm Trái tim hóa thạch Đạo Chích & Quốc Vương”. Với niềm đam mê văn hóa Việt Nam, các bạn sinh viên đã tỉ mỉ nghiên cứu, tìm tòi để cho ra đời tác phẩm kịch mang đậm đà màu sắc dân gian trên sân khấu kịch nói. Đặc biệt hơn nữa, kịch nói sinh viên đã và đang được đón nhận nhiệt tình, minh chứng cho điều này khi tất cả các suất diễn của Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn trong thời gian qua đều nhanh chóng “cháy vé”.

Không chỉ đầu tư về mặt nội dung, phần hình ảnh cũng luôn được các thành viên trau chuốt vô cùng kỹ lưỡng. Dù vở diễn ra mắt chính thức vào giữa tháng 12, thế nhưng ê kíp sáng tạo đã phác thảo tạo hình và tìm kiếm phục trang phù hợp với từng nhân vật ngay từ những ngày đầu tháng 6. Với mong muốn mang nét đẹp Việt phục đến gần hơn với các bạn trẻ, các khâu từ thời gian thực hiện, chi phí, chất liệu đến các loại trang sức, phụ kiện để tạo hình cho nhân vật đều được nhóm tính toán kỹ lưỡng. Cùng với đó, việc chuẩn bị cảnh trí và đạo cụ cho vở diễn cũng là một thách thức không nhỏ đối với Sân khấu.

Bạn Phan Anh Tòa, thành viên ban sản xuất bày tỏ: “Đây là vở diễn được đầu tư “khủng” về số lượng đạo cụ, cảnh trí. Tổ sản xuất đã chuẩn bị gần 10 bối cảnh lớn cho sân khấu như cây liễu, núi đá, khung hầm vàng, hòn non bộ, khung tranh... Bên cạnh đó, số lượng đạo cụ nhỏ lên đến vài chục món như dao, pháo, ống tre, cá, rắn... cũng được nhóm đầu tư hết sức chỉn chu”. Không đơn thuần là sân khấu kịch nói sinh viên, chính sự nâng niu trau chuốt cho từng “đứa con tinh thần” trước khi công diễn đã cho khán giả thấy được sự “nặng lòng” với kịch nói, với văn hóa truyền thống, với lịch sử dân tộc… của các bạn trẻ ngày nay.

Hoạt động từ năm 2017, CLB Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn đã trình diễn 7 vở kịch dài và để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, đó là: Mặt trời soi kiếp rong chơi, Nửa trời phiêu lãng, Cuối trời phiêu lãng, Trái tim hóa thạch, Lá hát như mưa, Nằm khóc một mình, Đạo Chích & Quốc Vương. Trong thời gian tới, CLB vẫn sẽ cố gắng tiếp tục tổ chức định kỳ mỗi năm hai mùa diễn với những chủ đề vừa gần gũi, vừa mới lạ đến với khán giả trẻ. Bằng tất cả tình cảm và sự trân trọng dành cho văn hóa Việt và sân khấu, các thành viên CLB luôn luôn mong muốn được tiếp thu những góp ý của khán giả cũng như giới chuyên môn, để các vở diễn ngày càng chất lượng và chuyển tải những giá trị nhân văn sâu sắc đến với mọi người. 

 THẢO MY

 

Ý kiến bạn đọc